Tháp giải nhiệt là gì? Những điều bạn chưa biết về tháp giải nhiệt

Tháp giải nhiệt có tên tiếng anh là cooling tower. Đây là thiết bị được dùng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp. Chức năng của tháp giải nhiệt là hạ nhiệt độ nước đầu vào sao cho đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Từ đó giúp hệ thống làm việc hiệu quả, giảm tình trạng hư hỏng và duy trì tuổi thọ của máy móc. Để tìm hiểu rõ hơn về vai trò tháp giải nhiệt cũng như cấu tạo, phân loại, cách sử dụng tháp giải nhiệt sao cho hiệu quả,… mời bạn cùng xem qua thông tin trong bài viết dưới đây.

Cấu tạo và nguyên lý làm việc của tháp giải nhiệt

Tháp giải nhiệt là phương pháp làm mát hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí nên được sử dụng rộng rãi. Công dụng của tháp giải nhiệt là trích nhiệt từ dòng nước nóng và xả ra bên ngoài. Sau đó đưa nguồn nước đã được làm mát quay trở vào hệ thống. Từ đó giúp máy móc nhanh chóng hạ nhiệt để hoạt động ổn định, hạn chế hư hỏng và tránh tình trạng chập cháy không mong muốn.

Cấu tạo tháp giải nhiệt gồm những linh kiện nào?

Cấu tạo của tháp giải nhiệt nước công nghiệp bao gồm nhiều bộ phận hợp thành. Từng linh kiện tháp giải nhiệt đều có vai trò quan trọng khi tháp hoạt động. Bởi vì nếu có bất kỳ bộ phận nào bị trục trặc thì tháp sẽ không hoạt động bình thường. Mặc dù được phân loại thành nhiều dạng khác nhau, nhưng cơ bản, tháp giải nhiệt sẽ bao gồm các bộ phận chính như sau:
  • Tấm tản nhiệt: Tấm tản nhiệt hay màng giải nhiệt, filling nước tháp giải nhiệt,… Tấm tản nhiệt là bộ phận quan trọng và được xem như trái tim của tháp giải nhiệt nước. Nước và không khí gặp nhau ở tấm tản nhiệt. Sau đó nước bốc hơi với tốc độ nhanh, đồng thời diễn ra quá trình trao đổi nhiệt. Tấm tản nhiệt dùng cho tháp giải nhiệt có nhiều dạng, chẳng hạn như tấm tản nhiệt tròn cho tháp giải nhiệt tròn, tấm tản nhiệt vuông cho tháp giải nhiệt vuông, tấm tản nhiệt sóng S, sóng xiên, sóng dọc, sóng điểm….
  • Đầu phun và tay phun nước: Đầu phun và tay phun tháp giải nhiệt xoay theo chiều kim đồng hồ khi tháp vận hành. Nước sẽ chảy ra từ tay phun và được phân phối đều lên bề mặt tấm tản nhiệt. Đầu phun tháp giải nhiệt có thể được làm từ nhựa hoặc kim loại và khác nhau đối với tháp tròn và tháp vuông.
  • Cánh quạt: Cánh quạt tháp giải nhiệt có vai trò thông gió, mang không khí bay hơi từ nước nóng thải ra ngoài khí quyển. Cánh quạt tháp giải nhiệt có 2 loại đó là cánh quạt hướng trục và cánh quạt ly tâm. Linh kiện này được sản xuất từ nhựa, nhôm,… và có thể chịu được các tác động ăn mòn trong môi trường mà tháp đang hoạt động.
  • Động cơ tháp giải nhiệt: Động cơ tháp giải nhiệt được gắn cùng với cánh quạt tháp. Khi động cơ hoạt động cánh quạt sẽ quay. Động cơ càng mạnh mẽ thì cánh quạt làm việc càng hiệu quả.
  • Vỏ và đế tháp giải nhiệt: Vỏ tháp giải nhiệt là bộ phận ngoài cùng và có nhiệm vụ bao bọc, bảo vệ các linh kiện bên trong tháp giải nhiệt tốt nhất. Vỏ tháp dù là được sản xuất từ vật liệu gì cũng phải đảm bảo tính bền vững, không bị ăn mòn, han gỉ, biến dạng bởi lực, nhiệt,… Ngoài ra, đế tháp giải nhiệt phải chắc chắn để chịu áp lực lớn khi thu hồi nước.

Bản vẽ cad tháp giải nhiệt

Chi tiết nguyên lý hoạt động của tháp giải nhiệt nước công nghiệp

Hiểu được nguyên lý làm việc của tháp giải nhiệt sẽ giúp người dùng quản lý, bảo trì và vận hành tháp giải nhiệt hiệu quả hơn. Tháp giải nhiệt có đa dạng chủng loại và kích thước. Nhưng dù là mẫu mã như thế nào thì nguyên tắc hoạt động vẫn tương tự nhau.

Khi tháp giải nhiệt công nghiệp vận hành, nước trở thành chất làm mát tuần hoàn có nhiệm vụ hấp thụ nhiệt phát ra từ hệ thống. Sau đó, nhiệt được thải vào khí quyển và để lại dòng nước đã làm mát. Nguyên lý hoạt động của tháp giải nhiệt là kết hợp nước với không khí để thực hiện quy trình trao đổi nhiệt và tạo thành hơi nước. Sự bay hơi của hơi nước sẽ lấy đi nhiệt theo các nguyên tắc tản nhiệt bay hơi, truyền nhiệt đối lưu, truyền nhiệt bức xạ nhằm giải nhiệt trong ngành công nghiệp hoặc hệ thống điều hoà không khí.

Tháp giải nhiệt hoạt động dựa trên nguyên lý tách nhiệt thải từ hệ thống sử dụng nước và xả nó vào khí quyển thông qua bay hơi. Khi hoạt động, nguồn nước nóng sẽ được bơm lên hệ thống phân phối nước trên đỉnh tháp. Sau đó, đầu phun và tay phun sẽ xoay và rải đều nước lên tấm tản nhiệt. Lúc này, không khí được hút qua cửa hút gió sẽ đi qua bề mặt tấm tản nhiệt, tiếp xúc với nước và khiến nước bay hơi. Quá trình trao đổi nhiệt này sẽ loại bỏ hơi nóng ra khỏi nước. Luồng không khí ấm được hút ra khỏi đỉnh tháp, thải ra khí quyển nhờ hoạt động của motor và cánh quạt quay. Nước lạnh tạo thành sau đó được trở lại thông qua bộ trao đổi nhiệt và chu trình này lặp đi lặp lại liên tục.

Để hình dung rõ hơn, bạn có thể tham khảo sơ đồ nguyên lý hoạt động của tháp giải nhiệt qua hình dưới đây:

Sơ đồ nguyên lý hoạt động của tháp giải nhiệt

Nhiệm vụ của tháp giải nhiệt trong các ngành công nghiệp là gì?

Trong các quy trình sản xuất, hệ thống trang thiết bị của nhà máy sẽ nóng lên và sinh ra nhiệt độ cao. Việc làm sao để loại bỏ lượng nhiệt này là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp quan tâm. Điều này cũng đúng đối với những toà nhà cao tầng, trung tâm thương mại, kho bảo quản lạnh,… Bởi vì khi lượng nhiệt toả ra không được loại bỏ sẽ khiến máy móc, thiết bị, hệ thống điều hoà không khí, kho lạnh,… hoạt động không bình thường.

Nhờ vào khả năng giải nhiệt hiệu quả cùng với tính linh hoạt, nên tháp giải nhiệt nước được sử dụng ở đa dạng lĩnh vực. Một số ứng dụng của tháp giải nhiệt trong các ngành công nghiệp phải kể đến như:

  • Tháp giải nhiệt chủ yếu được sử dụng trong các hệ thống làm mát điều hòa không khí, làm lạnh, ép phun, thuộc da, tạo bọt, phát điện, tua bin hơi nước, xử lý nhôm, máy nén khí, làm mát nước công nghiệp,…
  • Ứng dụng trong giải nhiệt điều chỉnh nhiệt độ : Thiết bị điều hòa không khí , kho lạnh , phòng lạnh , cấp đông , sưởi ấm và làm mát điều hòa,…
  • Ứng dụng tháp làm mát trong sản xuất và chế biến: Công nghiệp thực phẩm, công nghiệp dược phẩm, đúc kim loại, công nghiệp nhựa, công nghiệp cao su, công nghiệp dệt may, nhà máy thép, công nghiệp hóa chất, sản phẩm hóa dầu,…
  • Ứng dụng trong làm mát động cơ: Máy phát điện , tua bin hơi nước , máy nén khí , máy nén dầu , động cơ,…

Ứng dụng của tháp giải nhiệt trong các ngành công nghiệp hiện nay

Tìm hiểu các loại tháp giải nhiệt hiện có trên thị trường

Tháp giải nhiệt trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại. Các cách phân loại tháp giải nhiệt sẽ dựa trên nhiều đặc điểm và yếu tố. Chẳng hạn như thiết kế, phương pháp thông gió, dòng chảy,… Để giúp bạn dễ dàng nhận biết hơn, Thiết bị Công nghiệp Sài Gòn sẽ phân chia tháp giải nhiệt ra như sau:
  • Theo phương pháp thông gió, tháp giải nhiệt được chia thành: Cooling tower tháp giải nhiệt thông gió tự nhiên, tháp giải nhiệt thông gió cơ học, tháp giải nhiệt thông gió hỗn hợp.
  • Theo phương pháp tiếp xúc giữa nước và không khí: Tháp giải nhiệt ướt, tháp giải nhiệt khô, tháp giải nhiệt kết hợp ướt và khô.
  • Theo hướng dòng chảy của nước nóng và không khí: Tháp giải nhiệt dòng chảy chéo hay dòng chảy ngang, tháp giải nhiệt ngược dòng.
  • Theo lĩnh vực ứng dụng: Tháp giải nhiệt công nghiệp, tháp giải nhiệt điều hoà.
  • Theo mức độ tiếng ồn: Tháp nước tản nhiệt thông thường, tháp giải nhiệt tiếng ồn thấp, tháp giải nhiệt tiếng ồn cực thấp, tháp giải nhiệt cooling tower cực yên tĩnh.
  • Theo hình dạng: Tháp giải nhiệt tròn, tháp giải nhiệt vuông.
  • Theo nguyên lý nước và không khí có tiếp xúc trực tiếp hay không: Tháp nước giải nhiệt mở, tháp giải nhiệt kín hay tháp giải nhiệt mạch kín, tháp giải nhiệt khép kín.
  • Ngoài ra còn có một số loại tháp tản nhiệt khác như tháp giải nhiệt phản lực, tháp giải nhiệt không quạt,…

Kinh nghiệm chọn mua tháp giải nhiệt phù hợp với doanh nghiệp bạn

Chọn tháp giải nhiệt như thế nào là đúng cách?

Dù là cách chọn tháp giải nhiệt như thế nào thì cũng chủ yếu xoay quanh 3 yếu tố cơ bản dưới đây:
  • Xác định tốc độ dòng chảy: Phương pháp đơn giản là chọn theo tốc độ dòng chảy và áp suất thực tế của máy bơm nước tuần hoàn tại chỗ hoặc theo lượng nước làm mát mà thiết bị yêu cầu.
  • Xác định nhiệt độ: Theo nhu cầu nước làm mát của thiết bị, tức là nhiệt độ đầu vào và đầu ra của tháp giải nhiệt nước.
  • Xác định môi trường lắp đặt tháp giải nhiệt: Chọn tháp giải nhiệt nước dựa theo vị trí môi trường nơi lắp đặt tháp. Kích thước tháp giải nhiệt nhỏ hay lớn sẽ phụ thuộc vào diện tích nơi lắp đặt. Ngoài ra, tháp giải nhiệt tiêu chuẩn có thể lắp đặt ở mặt đất hoặc trên mái nhà. Hoặc tháp giải nhiệt có độ ồn thấp, cực thấp sử dụng cho công xưởng gần khu dân cư.

Kinh nghiệm chọn mua tháp giải nhiệt

Bạn đang muốn đầu tư tháp làm mát cho nhà máy, cơ sở sản xuất, kho lạnh, máy ép nhựa, máy phát điện,… nhưng chưa biết cách chọn tháp như thế nào để đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Dưới đây là 3 kinh nghiệm mua tháp giải nhiệt bạn có thể tham khảo:
  • Mua tháp làm mát công nghiệp phù hợp nhu cầu sử dụng: Trước khi mua tháp giải nhiệt, bạn cần xác định xem nhu cầu làm mát của mình là như thế nào, số lượng máy móc bao nhiêu, cần công suất làm mát bao nhiêu. Nếu tháp có khả năng giải nhiệt lớn hơn nhu cầu thực tế sẽ gây lãng phí. Ngược lại, tháp có công suất bé hơn yêu cầu cần làm mát sẽ khiến tháp vận hành quá mức, đồng thời khiến cho thiết bị máy móc không được làm mát hiệu quả. Tháp giải nhiệt là sản phẩm đa dạng công suất từ 5RT đến 1000RT và lớn hơn để bạn dễ dàng chọn lựa.
  • Mua tháp giải nhiệt của thương hiệu uy tín: Khi đã xác định nhu cầu làm mát, khách hàng bắt đầu tìm mua tháp giải nhiệt công nghiệp. Trên thị trường hiện nay xuất hiện đầy rẫy các dòng tháp giải nhiệt đến từ những thương hiệu khác nhau. Để chọn được tháp chất lượng, bạn cần tìm hiểu rõ đâu là hãng tháp uy tín, được nhiều người dùng biết đến và lựa chọn. Những thương hiệu tháp giải nhiệt như Alpha, Tashin, Liangchi,… là các dòng tháp bán chạy và lắp đặt rộng rãi ở các nhà máy công nghiệp tại Việt Nam cũng như toàn thế giới.
  • Chọn địa chỉ bán tháp giải nhiệt đáng tin cậy: Sau khi chọn được thương hiệu tháp giải nhiệt, việc cuối cùng là bạn cần tìm nhà cung ứng uy tín. Điều này giúp đảm bảo cho khách hàng không mua phải hàng kém chất lượng, hàng đạo nhái, hàng trôi nổi. Để nhận biết đơn vị bán tháp giải nhiệt có uy tín hay không, bạn có thể kiểm tra bằng cách: Thông tin của người bán đầy đủ, rõ ràng; Yêu cầu người bán cung cấp đầy đủ giấy tờ; Thời gian bảo hành lâu dài; Đánh giá của khách hàng cũ;…

Tiêu chuẩn nước của tháp giải nhiệt như thế nào?

Tháp giải nhiệt là một sản phẩm toàn diện tích hợp khí động học, nhiệt động lực học, chất lỏng, hóa học, hóa sinh, khoa học vật liệu, cơ học kết cấu tĩnh và động, công nghệ xử lý và các ngành khác có liên quan. Do chất lượng nước là một yếu tố đa biến nên quá trình giải nhiệt làm mát là một quá trình tích hợp đa yếu tố, đa biến và đa hiệu ứng. Để đảm bảo hiệu quả làm mát của tháp thì nguồn nước giải nhiệt phải đạt chuẩn. Theo các chuyên gia, nguồn nước đạt tiêu chuẩn phải có:
  • Độ pH cân bằng: Độ pH là chỉ số dùng để nhận biết nước chứa tính kiềm hay axit. Nếu nước có độ pH bằng 7 là trung tính, 0 – 7 là môi trường axit và từ 7 – 14 là kiềm. Nếu nước có tính axit thì những bộ phận làm từ kim loại sẽ mau chóng bị ăn mòn. Còn nếu nước chứa tính kiềm thì rất dễ dẫn đến tình trạng cáu cặn. Ngoài ra, độ pH của nước cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của hoá chất diệt vi sinh và tăng giảm số lượng vi sinh vật. Chỉ số pH bao nhiêu sẽ còn phụ thuộc vào chất liệu của tháp. Nhưng tốt nhất độ pH của nước nên duy trì ở chỉ số 7.
  • Nước có độ cứng thấp: Độ cứng của nước được quyết định bởi hàm lượng khoáng chất hoà tan trong nước, trong đó chủ yếu là Magie và Canxi. Nước có độ cứng càng cao thì nguy cơ hình thành cáu cặn càng nhiều. Độ cứng của nước bao gồm độ cứng tạm thời và độ cứng vĩnh cửu. Nếu là độ cứng tạm thời thì có thể sử dụng các biện pháp để làm mất tính cứng để giảm tình trạng bám cặn trong tháp. Do đó, nước có độ cứng thấp sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn nước của tháp giải nhiệt.
  • Độ dẫn điện của nước thấp: Nước có độ dẫn điện càng cao thì lượng khoáng chất trong nước càng nhiều. Lượng khoáng chất chính là nguyên nhân gây cáu cặn trong tháp giải nhiệt. Cáu cặn sẽ bám vào đường ống dẫn nước, đầu phun, tấm tản nhiệt, hệ thống van khiến áp lực nước giảm kéo theo hiệu quả trao đổi nhiệt giảm. Vì thế, để giảm tình trạng cáu cặn và đảm bảo tháp hoạt động ổn định thì độ dẫn điện của nước phải thấp.
  • Chỉ số bão hoà nước từ 0 – 1: Chỉ số bão hoà nước thể hiện sự ổn định của nước và đánh giá nguy cơ ăn mòn hay cáu cặn. Nếu chỉ số âm thì nước có tính ăn mòn, còn chỉ số dương nghĩa là nước có xu hướng hình thành cặn.

    Chất lượng nước ảnh hưởng đến hiệu quả làm mát và tuổi thọ của tháp

Nước được xem như trung tâm của tháp giải nhiệt và mọi hoạt động của tháp giải nhiệt chủ yếu xoay quanh nước. Vì thế, nước đóng vai trò quan trọng trong truyền nhiệt và tuổi thọ tháp. Việc giữ cho các chỉ số liên quan đến chất lượng nước luôn ở trong tình trạng tốt nhất cũng là một phương pháp để kiểm soát cáu cặn trong tháp giải nhiệt.

Quy trình vận hành tháp giải nhiệt trong 3 bước đơn giản

Quy trình sử dụng tháp giải nhiệt mang đến hiệu quả cao

Vận hành tháp giải nhiệt đúng cách sẽ mang đến nhiều lợi ích như: Đảm bảo chất lượng làm mát của tháp giải nhiệt nước, tiết kiệm chi phí vệ sinh, tăng tuổi thọ cho tháp giải nhiệt, hạn chế tối đa tình trạng hư hỏng tháp,… Quy trình vận hành tháp giải nhiệt gồm có 3 bước cơ bản sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị trước khi vận hành

Trước khi tiến hành sử dụng tháp, người dùng cần kiểm tra lại toàn bộ hệ thống và từng bộ phận của tháp làm mát nước. Cụ thể:

  • Mở van đáy bồn chứa để xả hết nước và làm sạch rong rêu, cặn bẩn trong tháp. Người dùng có thể vệ sinh bằng bàn chải, dung dịch vệ sinh chuyên dụng,.. Mục đích của bước làm sạch là không để rong rêu, cặn bẩn làm giảm hiệu quả làm mát hoặc ăn mòn tháp.
  • Kiểm tra xem động cơ quạt có hoạt động bình thường không bằng cách cho quạt chạy thử trong 1 – 2 phút. Lưu ý là điện áp và cường độ dòng điện phải phù hợp với motor quạt nước.
  • Kiểm tra hệ thống phân phối nước có xoay linh hoạt không.
  • Nước của tháp giải nhiệt không được chứa các tạp chất như dầu và các chất có gốc axit.
  • Bơm nước vào bể chứa và kiểm tra hoạt động của phao xem có gì bất thường hay không.
  • Kiểm tra lỗ thông gió xem có bị vật cản hay không.
  • Nếu không có vấn đề gì thì bạn có thể bật nguồn chính.

Bước 2: Khởi động tháp giải nhiệt

Ở bước khởi động tháp giải nhiệt nước, bạn hãy thực hiện theo hướng dẫn sau đây:

  • Bật bơm nước tuần hoàn và chỉ khởi động quạt khi khay thu nước đạt đến mực nước nhất định. Khi quạt khởi động, hãy chú ý xem dòng điện và điện áp của động cơ có bình thường không.
  • Kiểm tra lượng nước tuần hoàn, mực nước bể chứa, nhiệt độ nước và độ rung của tháp.
  • Cần đảm bảo đầu phun và tay phun luôn ở trong tình trạng hoạt động ổn định.
  • Khi cánh quạt quay, hãy đảm bảo quạt quay đúng chiều.
  • Khi tháp giải nhiệt hoạt động, máy bơm nước phải được bật trước rồi mới đến động cơ, không được để động cơ hoạt động khi không có nước.

Bước 3: Kết thúc

Tháp ngừng hoạt động, người dùng tắt máy bơm nước và tắt quạt tháp giải nhiệt nước.

Trên đây là quy trình vận hành tháp giải nhiệt công nghiệp. Nếu phát hiện vấn đề bất thường thì phải nhanh chóng dừng lại và khắc phục sự cố.

Một số lưu ý khi lắp đặt tháp giải nhiệt

Bên cạnh việc nắm rõ cách vận hành tháp giải nhiệt nước, thì khi lắp đặt bạn cũng cần chú ý những vấn đề sau:
  • Lắp đặt tháp giải nhiệt ở khu vực thông thoáng và sạch sẽ.
  • Hạn chế lắp tháp ở gần nơi có bức tường cao vì sẽ bị vọng âm.
  • Không lắp tháp giải nhiệt ở nơi có khí ăn mòn.
  • Tránh xa những khu vực quá nóng như bếp, lò hơi,…
  • Lắp đặt tháp giải nhiệt trên nền vững chắc và bằng phẳng, nếu không động cơ và cánh quạt sẽ mất cân bằng dẫn đến hoạt động không bình thường. Ngoài ra, khu vực không bằng phẳng khiến nước phân phối không đồng đều.
  • Nếu tháp giải nhiệt có nhiều hơn 2 máy bơm, bạn hãy chú ý đến sự cân bằng giữa đường ống và máy bơm.
  • Nên lọc nước tuần hoàn đầu vào để tránh làm tắc đường ống dẫn và động cơ máy bơm.
  • Luôn kiểm tra hoạt động của nước và motor.

Có nhiều yếu tố cần lưu ý khi lắp đặt và vận hành tháp giải nhiệt

Cách làm tăng hiệu suất của tháp giải nhiệt

Một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất tháp giải nhiệt như là: Vận tốc truyền khí, tốc độ chảy của nước, nhiệt độ nước, chất lượng tấm tản nhiệt, điều kiện thời tiết,… Dưới đây là những phương pháp làm tăng hiệu suất tháp giải nhiệt mà bạn có thể áp dụng. Cụ thể như sau:
  • Chọn tháp phù hợp: Trước khi lắp đặt tháp, bạn cần phân tích xem nhu cầu làm mát của hệ thống tại công xưởng của bạn là như thế nào để chọn tháp có công suất tương ứng. Vì nếu tháp có công suất thấp hơn yêu cầu sẽ khiến thiết bị hoạt động quá sức nhưng không hiệu quả.
  • Chọn linh kiện tháp giải nhiệt chất lượng: Các linh kiện lắp đặt cho tháp giải nhiệt cần đạt chất lượng cao để vừa hoạt động hiệu quả nhưng tốn ít điện năng, vừa duy trì tuổi thọ lâu dài. Các bộ phận mà người tiêu dùng cần đặc biệt quan tâm đó là motor và cánh quạt, tấm tản nhiệt, bơm và hệ thống phân phối nước.
  • Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh tháp giải nhiệt: Tháp giải nhiệt sử dụng nước để làm chất làm mát. Nước lâu ngày sẽ sinh ra nhiều cặn bẩn, rong rêu, vôi hoá,… Những chất này bám bên trong tháp sẽ ảnh hưởng đến việc tăng giảm hiệu suất tháp giải nhiệt. Để đảm bảo cho tháp luôn trở trạng thái hoạt động tốt và kéo dài tuổi thọ thì người dùng cần thường xuyên kiểm tra và vệ sinh tháp giải nhiệt nước. Tháp giải nhiệt nước phải được làm sạch kịp thời và kỹ lưỡng để tránh bị tác động bởi chất kết tủa, axit, rong rêu,…

Quy trình bảo dưỡng tháp giải nhiệt đúng cách

Vì sao phải thường xuyên kiểm tra và bảo dưỡng tháp giải nhiệt?

Trong quá trình sử dụng hàng ngày, tháp giải nhiệt thường xuyên tiếp xúc với không khí. Không khí chứa nhiều tạp chất, chất rắn lơ lửng, bụi bẩn,… Các chất này tích tụ lâu dần sẽ hình thành vấn đề bụi bẩn bám trên tháp. Lượng lớn bụi bẩn sinh sôi trong hệ thống nước làm mát còn gây tắc nghẽn.

Nước tuần hoàn tháp giải nhiệt chứa nhiều khoáng chất, muối vô cơ, chất hữu cơ và vi sinh vật. Nếu lâu ngày người dùng không thay nước, không vệ sinh, không khử trùng, khử trùng không triệt để hoặc nguồn nước cung cấp không đủ sẽ hình thành rong rêu, vi khuẩn bám trên tháp. Điều này vừa làm giảm hiệu quả làm mát vừa ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Bạn cần phải thường xuyên vệ sinh và bảo trì tháp giải nhiệt

Hướng dẫn bảo trì tháp giải nhiệt hiệu quả

Trước khi tiến hành bảo trì tháp giải nhiệt, bạn cần tuân thủ các biện pháp an toàn như: Trang bị bảo hộ lao động đầy đủ và gọn gàng; Trước khi thi công phải kiểm tra nguồn điện của quạt tháp giải nhiệt có bị cắt không, có niêm yết hay không; Nếu tháp giải nhiệt ở trên cao, cần có dây đai an toàn và người giám sát khi leo thang. Nếu đã đảm bảo an toàn thì bắt đầu công tác bảo trì tháp giải nhiệt như sau:

Hệ thống dẫn và phân phối nước

  • Sau thời gian sử dụng và dưới áp lực nước thì đường ống dẫn nước, vòi phun, ống phân phối nước có thể sẽ bị lỏng lẻo. Bạn hãy kiểm tra xem các linh kiện này có chắc chắn không, nếu không thì hãy xử lý ngay.
  • Nước chứa nhiều tạp chất sẽ hình thành rong rêu, cặn bẩn bên trong vòi phun, ống dẫn,… và làm chúng bị nghẹt. Vì thế hãy vệ sinh làm sạch kỹ lưỡng khu vực này.
  • Xả kỹ đường ống vì chúng có thể bị tắt nghẽn do khay chứa nước và lưới lọc bám cặn bẩn.
  • Kiểm tra xem có linh kiện tháp giải nhiệt nào bị rò rỉ không và tiến hành tra keo.
Hệ thống làm mát
  • Làm sạch tấm tản nhiệt tháp giải nhiệt. Đặc biệt là bề mặt tấm tản nhiệt cần phải thật sạch và không còn cặn, bụi,… Chú ý sau khi lắp đặt lại phải đúng kỹ thuật, cẩn thận, không để hở.
  • Làm sạch tấm chắn nước. Các tấm phải lắp khít với nhau để giữ nước tốt nhất.
  • Bơm nước vào tháp giải nhiệt cho đầy và quan sát xem có bị rò rỉ không. Nếu có phải thay thế ngay.
Hệ thống động cơ
  • Kiểm tra động cơ tháp giải nhiệt còn nguyên vẹn không và có hoạt động bình thường không. Tiếp theo bôi trơn ổ trục và sơn lại vỏ cho động cơ. Nếu lâu ngày không sử dụng, bạn nên cho động cơ khởi động tối thiểu 3h/tháng. Bên cạnh đó cũng cần giữ cho cuộn dây luôn khô ráo.
  • Thay vòng giảm tốc ở hộp giảm tốc nếu chúng không quay bình thường hoặc phát ra tiếng lạ.
  • Vệ sinh cánh quạt và kiểm tra cánh quạt có lệch không. Nếu có hãy điều chỉnh sao cho cánh quạt cân bằng.
Bên ngoài tháp
  • Kiểm tra xem vỏ tháp có nứt không và nhanh chóng khắc phục. Đồng thời vệ sinh kỹ thân và vỏ tháp.
  • Siết bu-lông ở các khớp nối và thay thế những bu- lông bị gỉ sét.
Các linh kiện tháp tản nhiệt
  • Kiểm tra phao và sửa chữa nếu chúng không hoạt động bình thường.
  • Kiểm tra độ rò rỉ của đường ống đầu vào và đầu ra.

Hãy đảm bảo an toàn khi vệ sinh và bảo dưỡng tháp làm mát

Qua những thông tin cung cấp bên trên, hy vọng khách hàng sẽ có thêm những kiến thức hữu ích về tháp giải nhiệt nước công nghiệp. Chẳng hạn như tháp giải nhiệt là gì, chức năng của tháp giải nhiệt, phân loại tháp giải nhiệt, quy trình bảo dưỡng tháp giải nhiệt nước, cách tăng công suất tháp giải nhiệt,… Nếu khách hàng có bất kỳ thắc mắc hoặc quan tâm đến tháp làm mát, vui lòng liên hệ Thiết bị Công nghiệp Sài Gòn qua Hotline: 0833.888.505 hoặc 0865.840.889. Hân hạnh phục vụ quý khách hàng!

Đánh giá bài viết
1
05/12/2023

Bạn có thể quan tâm:

Mua bán Chiller làm lạnh nước tại Bình Dương chất lượng cao

Mua Chiller làm lạnh nước tại Bình Dương chất lượng cao, giá tốt nhất tại Công Ty Cổ Phần Vật Tư Thiết Bị Công..

(Khoảng 2 ngày trước)0

Máy Chiller làm lạnh nước tại Hải Phòng giá tốt nhất

Tìm giải pháp làm lạnh tối ưu tại Hải Phòng? Máy Chiller làm lạnh nước giá tốt nhất giúp tiết kiệm chi phí,..

(Khoảng 3 ngày trước)0

Mua Chiller làm lạnh nước tại Đà Nẵng chất lượng cao

Mua chiller làm lạnh nước tại Đà Nẵng giúp doanh nghiệp duy trì nhiệt độ ổn định, bảo vệ thiết bị và tiết k..

(Khoảng 9 ngày trước)0

Mua Chiller làm lạnh nước tại TP. Hồ Chí Minh giá tốt

Bạn cần mua Chiller làm lạnh nước tại TP. Hồ Chí Minh? Chúng tôi cung cấp các loại Chiller công nghiệp chất lượng cao cho c&aacute..

(Khoảng 10 ngày trước)0

Tại sao tiêu chuẩn nước cho tháp giải nhiệt lại quan trọng?

Chất lượng nước trong tháp giải nhiệt quyết định trực tiếp hiệu suất làm mát và tuổi thọ thiết bị. Đảm..

(Khoảng 14 ngày trước)0